Trong tự nhiên, thức ăn rất đa dạng về số lượng và chủng loại. Các nhà dinh dưỡng đã hệ thống hoá và phân chia chúng thành 4 nhóm gồm: (1) chất đường bột, (2) chất đạm, thịt, (3) chất béo, và (4) muối khoáng, vitamin. Trên thực tế, không có thực phẩm nào là hoàn hảo và luôn cần phối hợp chúng để tạo nên một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Thế nhưng, không phải cứ nạp càng nhiều càng tốt mà cần tiêu thụ một lượng phù hợp để đảm bảo sức khoẻ. Dưới đây là 8 loại thực phẩm lành mạnh nhưng có thể gây hại nếu ăn quá nhiều.
-
Cá ngừ
Cá ngừ là nguồn cung cấp giàu axit béo, protein, Omega-3 và vitamin B12. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cá ngừ được chứng minh rằng tốt cho tim mạch, giúp tăng cường sức khỏe của mắt, hệ thống miễn dịch và giảm huyết áp.
Tuy nhiên, bên trong cá hồi cũng chứa nhiều thuỷ ngân tích tụ trong các mô cá. Giới hạn an toàn của việc tiêu thụ lượng thuỷ ngân đối với cơ thể người là 0,1 microgam/kg trọng lượng cơ thể. Nếu tiêu thụ với số lượng lớn quá mức giới hạn với tần suất cao, bạn có thể sẽ bị ngộ độc hay xuất hiện một số biểu hiện giảm trí nhớ, thị lực.
Đặc biệt, phụ nữ có thai và trẻ em là 2 đối tượng phải kiểm soát hàm lượng này gắt gao, không nên ăn quá 2 lần/tuần.
-
Gan động vật
Nội tạng là một trong những bộ phận giàu dinh dưỡng nhất của động vật, đặc biệt là gan bởi nó chứa nhiều vitamin A, vitamin B12, sắt và đồng. Tuy nhiên, gan bò lại chứa hàm lượng Vitamain rất cao, trong 100g gan bò chứa gấp 6 lần lượng vitamin A được khuyến nghị cho chế độ ăn uống và gấp 7 lần lượng đồng được khuyến nghị tiêu thụ mỗi ngày.
Ngoài ra, vitamin A hoà tan trong chất béo nên có thể tồn tại dưới dạng dự trữ trong cơ thể, nếu tình trạng dư thừa xảy ra có thể gây ra các triệu chứng báo hiệu cơ thể ngộ độc vitamin A như thị lực có vấn đề, đau xương, tăng nguy cơ gãy xương, buồn nôn và nôn.
Đồng thời, hàm lượng đồng trong gan lớn có thể khiến cơ thể stress oxy hóa hay thay đổi thoái hóa thần kinh, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Do đó, mặc dù là thực phẩm tốt cho sức khỏe và rất bổ dưỡng nhưng bạn chỉ nên ăn gan 1 lần/tuần là đủ.
-
Đậu nành
Đậu nành là một trong những thực phẩm lành mạnh, có tác dụng giúp làm giảm cholesterol và quản lý các vấn đề về huyết áp.Theo Gina Sam, bác sĩ tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ), nếu tiêu thụ đậu nành quá mức, nó sẽ gây ức chế sự hấp thu sắt, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, vì đậu nành có chứa isoflavone (một hợp chất giống như estrogen – hormone ở buồng trứng phụ nữ nên nếu tiêu thụ lâu dài có thể gây tăng sinh nội mạc tử cung, tạo nên lỗ thủng trong niêm mạc tử cung và là một trong những nguyên nhân gây ung thư tử cung.
-
Omega – 3 và dầu cá
Axit béo Omega-3 là các chất rất cần thiết cho sức khỏe, có tác dụng chống lại chứng viêm trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch,… Hầu hết trong các chế độ ăn uống, chưa có nhiều người quan tâm và cung cấp đủ hàm lượng Omega-3 mà cơ thể cần. Bởi vậy, rất nhiều các sản phẩm chức năng bổ sung Omegia-3 dạng viên nang (sản xuất từ cá, gan cá và tảo biển) ra đời.
Thông thường, liều dùng sẽ dao động từ 1 – 6g/ngày. Tuy nhiên, nếu không để ý và sử dụng dùng liều tới 13 – 14g/ngày sẽ dẫn đến tình trạng loãng máu ở người khỏe mạnh. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, đặc biệt ở những người dễ bị chảy máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.
-
Rau họ cải
Cải là một họ rau đa dạng, thường được sử dụng nhiều trong các bữa ăn như bông cải xanh, cải xoăn, bắp cải, cải xanh, cải Bina, cải Brussels,… Nhóm rau này có nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.
Tuy nhiên, trong rau họ cải chứa nhiều thiocyanat có thể cản trở khả năng hấp thụ iot của cơ thể. Trong thời gian dài, nếu duy trì có thể góp phần tạo nên vấn đề suy giáp ở cơ thể người với một số triệu chứng như tăng cân, táo bón, da khô và giảm mức năng lượng,… Vì vậy, mặc dù các loại rau họ cải như bông cải xanh rất tốt cho sức khỏe nhưng ta cần kiểm soát lượng ăn vừa phải và tránh tiêu thụ ở những người vốn đang có vấn đề về tuyến giáp.
-
Cà phê
Cà phê là một trong những thức uống tuyệt vời, đặc biệt “uống cà phê” còn là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Trong cà phê chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất hoạt tính khác với những lợi ích như làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan, bệnh tiểu đường tuýp 2 và các bệnh thoái hóa thần kinh.
Thành phần tốt trong cà phê là caffeine, mỗi cốc chứa trung bình 80 – 120mg caffeine. Trung bình, mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ 400 mg, nếu sử dụng quá mức sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thần kinh, gây mất ngủ, căng thẳng, khó chịu, co thắt dạ dày, run cơ và tim đập nhanh.
-
Quế
Quế không chỉ có mùi thơm mà còn được coi là một siêu thực phẩm bởi hàm lượng chất chống oxy hóa cao và nhiều dược tính. Quế có khả năng làm giảm lượng đường trong máu, giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tim.
Tuy vậy, trong quế có chứa coumarin, ăn quá nhiều quế sẽ có hại cho sức khỏe. Coumarin đặc biệt nguy hiểm đối với những người có vấn đề về gan và có thể gây tổn thương gan khi hấp thụ quá liều lượng.
-
Tỏi
Tỏi là một siêu thực phẩm giúp kháng viêm, chống ung thư… nhưng ăn quá nhiều có thể tạo nên nguy cơ loãng máu, chảy máu nghiêm trọng đến các vấn đề tiêu hóa, đau đầu và mệt mỏi.
Allicin, một hợp chất sinh ra khi giã tỏi sống có thể gây kích ứng da rất mạnh (đỏ ửng, đau nhức, bỏng), nhất là khi làn da nhạy cảm hoặc tiếp xúc trực tiếp hoặc gây tổn hại đến đường tiêu hóa. .
Lượng tỏi tiêu thụ còn tùy thuộc sức khỏe của mỗi người, nhưng người bình thường khỏe mạnh không nên tiêu thụ nhiều hơn bốn nhánh tỏi mỗi ngày. Nếu ăn quá nhiều tỏi có thể dẫn đến ngộ độc tỏi và tử vong.
Để có thể tìm hiểu thêm nhiều các kiến thức về dinh dưỡng và nấu ăn, đừng quên thường xuyên theo dõi các chuỗi bài trong chuyên mục của Hanoli trên website nhé: https://hanoli.com.vn
Nguồn: Tổng hợp











